BTC TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI QUÝ DOANH NHÂN THAM DỰ ĐẠI HỘI HỘI DOANH NHÂN QUẢNG NAM PHÍA NAM NHIỆM KỲ 2019-2023 CÙNG TIẾP CẬN CƠ HỘI ĐẦU TƯ HẤP DẪN TẠI TỈNH QUẢNG NAM LÚC 13h THỨ BẢY NGÀY 28/9/2019 tại Trung tâm hội nghị ADORA, Hoàng Văn Thụ, Q Tân Bình TPHCM. ĐT: 0905 877 791 gặp Ms Tiên - Thư ký Hội hoặc 0903 908 404 gặp Lã Trọng Thanh

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012


nguyễn văn biên
THEO VẾT NGƯỜI XƯA…
( Tưởng niệm lão huynh Hàn Cung Thương và thi phẩm TỪ ĐỘ TRĂNG TÀN)
Lòng ta là những hàng thành quách cũ
   Tự ngàn năm vọng lại tiếng loa xưa..
                        Vũ Đình Liên
thế kỷ 20 nhà thơ Vũ Hoàng Chương viết rằng: “..Đời họa còn ta là theo vết người xưa.”, cái vết “ hùng tâm, tráng chí” của một “ thời hoàng kim đã mờ trong sương mơ" – (lời một bài ca), cái thời lý tưởng của người xưa đó chỉ còn trong sách vở, trong những chuyện kể để hòng giữ lấy chút lửa trong cái buổi lạnh ngắt kim tiền này, cái thời chúng ta đang sống bội thực những giáo điều về đạo đức, niềm tin, vì cái thứ đạo đức đã “ úa lục, phai hồng”, chỉ trơ lại hơi đồng tanh ngắt…
        Trong khung trời đó, thực tại đã dựng nên vách ngăn lừng lững trước mặt mà những tâm hồn yếu đuối không dễ gì qua được:
        “ Chẳng dễ gì qua được
          Vách đời đứng uy nghi
          Con ngựa già mắt đỏ
          Đứng thở cuối chiều kia…”- ( Tình khúc số không- thơ Lê Trọng Minh)
Thực vậy cuộc sống này luôn dồn đuổi mỗi thân phận, chẳng dễ gì qua được, không những vách đời đứng uy nghi mà có lẻ chẳng dễ gì vượt qua được chính mình…, nếu trong huyết quản này không có được chút hùng khí của tiền nhân,…
!
Những điêu linh, những bộn bề của đời một con người ai cũng vậy nhưng với công dân Nguyễn Đình Cung Thương hay thi sỹ Hàn Cung Thương hình như đã có cùng tâm sự với người xưa:
“Tráng sỹ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
Xuân lan thu cúc đành hư sự
Hạ thử, đông hàn đoạt thiếu niên”. ( Nguyễn Du)
Cái “hùng tâm” và “sinh kế” luôn làm chao đảo tráng chí mà với anh hình như đã gom đủ trong mấy câu lục bát của Lê Giao Văn- một vị niên trưởng đồng thời là bạn thơ thân thiết đã viết về anh:
        “ Sáu mốt năm-hạt bụi trần
         Ngựa què, kiếm gãy qua thân phận người
 Khổ đau trộn với niềm vui
  Vẫn hào hoa giữa chê, cười thị phi

  Từ mồ côi bước ra đi
  Giữa thời chiến loạn – chim di, gió ngàn…
  Rồi khi bão tạnh , mưa tan
  Vùi thân cơm áo đa đoan quê người.” ( Hẹn cuộc tương phùng-Lê Giao Văn)
TỪ ĐỘ TRĂNG TÀN- tên tập thơ của anh, ta bắt gặp ngôn từ của một thời xưa cũ, ước lệ, trang nghiêm như những hàng thành quách cũ, sẽ có người buộc miệng thốt lên: đời họa còn ANH là theo vết người xưa…! Thật vậy ta thử đọc:
   “Thơ viết đôi dòng bi tráng
     Ngất trời hào khí mênh mang
      Sinh chẳng phùng thời đành vậy
      Vỗ bầu rót chén kinh bang.”
        (Tình sử Lương Sơn Bạc- HCT)

Hoặc:
        …Ngày trở lại ngó sông dài xơ xác
        Sầu miên man xiêu lạc bước quan hà
        Vầng trăng sớm lạnh lùng treo đỉnh dốc
        Tráng sỹ về đầu bạc giữa phong ba.
     (Ngày trở lại- HCT)
Nhưng tôi nghĩ anh làm thơ vì:
Những lúc ngã lòng vịn câu thơ mà đứng dậy..”-( Thơ Phùng Quán)
Cái ngôn ngữ cũ xưa qua tâm tình bi tráng của Từ Hải hay của ai kia… như vận vào đời tác giả:
Cung đàn xưa tắt lịm
                           Đâu dáng Kiều mê say
                           Không rượu nồng chuốc cạn
                           Bóng trăng suông lạnh đầy. ( Anh linh Từ Hải- HCT)
hay:
                “ Tuyết lạnh rơi đầy chí cả
                 Đất trời nghiêng ngã hoang mê
                Quạnh hiu vầng trăng Thu xế
                Thù sâu phong lấp lối về… ( Tình sử Lương sơn bạc-HCT)
Và tầng tầng những quắt quay làm anh chóng mặt hồ như quị ngã và anh đã vịn câu thơ đứng dậy và di trú trong nó hòng tìm chút tĩnh tại trong trùng trùng quăng quật xác xơ:
 “ Như con chim về cuối trời quên lãng
                           Chở tàn phai trên đôi cánh thu vàng
                           Phút tĩnh lặng giữa hai bờ hư- thực
                           Chợt nhớ mình còn chút nợ nhân gian…”
                                        ( Như vết chim bay-HCT)
           Và anh tự thú nhận:
                        “Tôi làm thơ vì không thể không làm thơ
                          Tôi làm thơ vì đó là hơi thở
                          Như cuộc đời phải nặng nợ áo cơm..”
       Và nếu có ai truy hỏi tiếp anh sẽ trả lời nghe trớt quớt- Vô sở cầu:
                   “Tôi làm thơ ? Vì đơn giản.. Thích làm thơ”(Thơ và tôi- HCT)
        Những lúc thân mật khinh khoái anh thường gọi tôi là “lão đệ” nghe có vẻ “tuồng tích” nhưng riết rồi cũng thấy vui, và anh luôn giữ khẩu khí của Quảng Nam thương ghét rạch ròi, chữ nghĩa hùng tráng sang trọng nhưng anh rất thiệt thà, một vẻ ngoài góc cạnh nhưng tâm hồn ngọt ngào, chân tình và dễ mềm lòng..
Đoc hết TỪ ĐỘ TRĂNG TÀN và những thi phẩm khác của Hàn Cung Thương chúng ta sẽ không tìm thấy ở đó một hình thức thơ tân kỳ hoặc cấu tứ mới mẻ theo kiểu hàn lâm chẻ sợi tóc làm tám… hay để tìm cầu những chân trời mới mẻ…, mà sẽ bắt gặp cái tình bi thống tha thiết, đọc thơ ta ngỡ gặp lại vết thương của chính mình đâu đó thấp thoáng trong một vài câu thơ, cái bi tráng trộn lẫn trong cái nổi trôi của phận người lên bờ xuống ruộng và cái chúng ta nhận được ở đây là một tấm chân tình: tình yêu, tình bạn, tình người…thiệt thà, một đời trải nghiệm với những điêu linh không ai giống ai để rồi viết nên:
                “ Là thu
                        từ độ phôi pha
                  Là trăng
                        tàn lạnh trên tà áo phai
                     Là chim
                        từ lạc đường bay
                Là hương gió thoảng
                                qua ngày viễn phương
                            ………………………………………….
                   Là thôi
                        từ bước chân đi
                   Là đêm tàn mộng
                                    từ khi tạ từ.” ( từ độ trăng tàn- HCT)
  Cái tuổi “ tri thiên mênh” mà anh đã tự cho mình “Anh tiếc mình già cốc đế đại vương” nhưng anh không hề là người nhu nhược, và “lão huynh” đã có khi dừng lại bên sông cuộc đời mình, theo nước bồng bềnh đưa, nghe tôm cá giởn, nhưng mới hay đường xa áo mỏng mà chuyện quan hà cố sự luôn đeo đẳng nặng lòng, và rồi cũng bó tay nhìn những phân kỳ tự trong lòng mình, những ngày ngồi gượng, những chiều lở chuyến xe…niềm vui tày gang còn lại là những đọa lạc rã rời:
                “và cứ thế ta hoang đàng man dại
                Kiếp cuồng ca trên khắp nẻo giang hồ
                Vào thăm thẳm chiều hoang buồn vạn đại
                Dốc nghiêng bầu ấm lạnh với hư vô” ( cuồng sỹ ca- HCT)
Và da diết:
Lời tạ từ viết giữa tàn đông
                   Nâng cổ áo nghe nổi lòng se lạnh
                  Mùa xuân lại về trong bất hạnh
                  Cũng đành lòng chấp nhận một đời sông.”
……………………………………………………..
                  Và: “ Năm mươi năm tên tội đồ loạng quạng
                         Đánh mất mùa xuân từ độ trăng tàn.”
         (Thơ viết nhân ngày cưới bạc-HCT)
 Cũng từ đó anh: “ Nguyện lòng rũ áo trả nhân gian”
Và anh đã dũng cảm chọn:  
                           “ Xin từ tạ những tình yêu tuyệt đối
                            Những tình yêu tương đối cũng đành thôi
                            Bờ môi ấm và hương nồng mê hoặc
                            Đã chìm tan trong song biển luân hồi”
               
  “Xin giã biệt chốn phồn hoa đô hội
                           Những vòng tay thân thiết gọi mời
                           Những bình minh đăng quang ngàn dư ảnh
   Những hoàng hôn bóng xế ngả bên trời.
  …………………………………………………………………
  ………………………………………………………………..
Xin từ tạ nét trang đài huyễn ảo
Huyền thoại nào phiêu dạt giữa đời sông
Xin giã biệt tháng năm dài chao đảo
Mộng phù vân thoáng chốc lục phai hồng”
(Tuyệt tình ca-HCT)
( Tình yêu tuyệt đối ở đây ở một nghĩa hẹp là sự gắn bó bền chặt của hai người yêu nhau theo lẻ thường chứ không ở cái nghĩa rốt ráo…)
Rồi cũng từ đây ta thấy một giọng bỡn cợt có vẻ trịch thượng nhưng dễ thương đánh dấu một bước sang trang của đời anh:
        “Chuyện cuối năm đêm nằm nhớ tết
        Nhớ tùm lum thế sự um sùm
        Thương nổi đời lôi thôi lếch thếch
        Thương mọi người lo tết lo xuân”
 (Chuyện cuối năm-HCT)
Một bứt phá ngoạn mục của tâm thức để làm một việc “ phi thường”: trở thành Tu sỹ…làm một du tăng hành cước khắp chốn…đi tìm cái chính mình trong vô thỉ và suy gọi tĩnh thức tự thân tâm từ độ trăng tàn:
Giữa quãng đời điêu linh
 Giữa muôn trùng bể khổ
  Trăng Lăng Già đức độ
  Soi sáng đời u minh
    (Đạo thành-HCT)
Và nhà thơ quay về đầu phục dưới Phật đường đảnh lễ bổn sư:
“ Con từ lạc bước mù sa
Trầm luân trong cõi ta bà Thái hư
Cánh buồm in dấu tổ sư
Dấu hài trí tuệ chân như cội nguồn
Và tha thiết:
                Lạy thầy dù gió mưa tuôn
                Vẩn còn hiển hiện tiếng chuông đại từ..”
                (Thầy về- thơ HCT)
Từ đây thi sỹ của chúng ta đã vượt thoát để trở thành Tỳ Khưu Thích Nhuận Hoài với một khẩu khí phiêu hốt:
                Đời như gió thoảng mây bay
                Hay- là ở chỗ
 chẳng hay ho gì.
                         Cuối cũng nhận được điều chi
                      Điều chi chẳng có
                                 Điều cho bận lòng… ( Mưa qua lều cỏ- thơ HCT)
        Chúng bằng hữu luôn cầu nguyện cho anh phật sự tấn thành, công phu viên mãn, nhưng rồi vô thường ập đến, nó chẳng vị riêng ai kể cả nhưng bậc tu sỹ “cắt ái ly gia”, và nó đã đến với anh một đêm trăng tròn nhất của tiết trọng thu và người thơ đã trả thân tứ đại về cho cát bụi, chúng ta tiễn anh “không nước mắt, không rượu mời” vì anh là Tỳ Khưu Thích Nhuận Hoài với hùng tâm tráng chí và anh đã theo kịp “vết người xưa” trong sự kính ngưỡng của anh em, bè bạn…trong đó có “lão đệ”.
        Xin trích ra đây khổ thơ cuối cùng anh đã viết, thay cho lời kết mà theo nhà thơ Lê Giao Văn là bản điếu văn viết trước cho chính mình:
                “Thân trai vạn dăm đâu chùn bước
                  Chí lớn lồng trong nhịp sống hùng
                  Rồi mai giủ áo phong trần ấy
                  Gõ nhịp chèo qua nẻo sắc-không.
                ( Tráng khí ca-Thích Nhuận Hoài)
Nguyện cầu cho anh Phật quả viên thành !
        Nguyên Bửu đường, Trọng thu, Nhâm Thìn 2012.
                                NVB
                                                         (Cẩn bút.)

Không có nhận xét nào: